Ngày 21-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo công bố điều chỉnh giá bán điện theo Thông tư số 38/2012/TT-BCT ngày 20-12-2012. Theo đó, kể từ ngày 22-12, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 68 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 đồng/kWh).
Lý do điều chỉnh tăng giá điện lần này được EVN lý giải là nhằm bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện. Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, dự kiến, việc tăng giá điện 5% sẽ đem lại cho EVN doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, khoản thu này bù đắp được 900 tỷ đồng do việc tăng giá than bán cho các nhà máy nhiệt điện; 3.800 tỷ đồng do tăng giá khí và quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và 3.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá. Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri cũng khẳng định, trong giá thành điện không tính toán những khoản thua lỗ do EVN quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành. Theo kết quả kiểm toán năm 2011, EVN mua điện từ các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN với giá 507 đồng/kWh; từ các nhà máy điện bên ngoài EVN với giá 1.041 đồng/kWh; từ các nhà máy nhiệt điện khí với giá 1.037 đồng/kWh và từ các nhà máy nhiệt điện dầu là 4.692 đồng/kWh…
Lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh.
Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh). Còn các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng sẽ trả thêm 6.600 đồng/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng, trả thêm 11 nghìn đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng sẽ tăng chi 16.200 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng, tăng chi 27 nghìn đồng/tháng; sử dụng 400 kWh/tháng, tăng chi 38.200 đồng/tháng.
Về tác động của việc tăng giá điện lần này đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước, Phó Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Đinh Thế Phúc cho biết, dự báo giá điện tăng 5% sẽ có thể làm CPI tăng thêm 0,12%. Bộ Công thương cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, thị trường nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hóa và dịch vụ một cách bất hợp lý, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.