Nguồn năng lượng truyền thống của nước ta đang suy giảm dần do trữ lượng có hạn mà nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, kèm theo đó là việc tiêu thụ năng lượng này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng tái tạo là góp phần giảm tiêu thụ than, dầu, khí đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Vì thế, Việt Nam cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển NLTT để bảo vệ môi trường, đảm bảo năng lượng phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã định hướng.
Tiềm năng và khả năng khai thác NLTT của Việt Nam
Việt Nam có nguồn tài nguyên NLTT đa dạng. Khả năng khai thác các nguồn NLTT này được thống kê giới thiệu trong bảng 4 sau:
Bảng 4- Tổng hợp tiềm năng, khả năng khai thác các nguồn NLTT [6]
Loại nguồn | Tiềm năng | Khả năng khai thác SX điện (MW) | Khu vực/đối tượng sử dụng |
1. Thủy điện nhỏ | > 4.000 MW | + Kỹ thuật: >4.000+ Kinh tế: 2.200
+ Để khai thác hơn cần hỗ trợ giá. |
Khu vực miền núi: Đông Bắc; Tây Bắc, Bắc Trung bộ; Nam Trung Bộ; Tây Nguyên. Cho nối lưới và lưới điện mini |
2. Gió | > 30.000 MW | + Kinh tế: không kinh tế ở giá bán hiện nay. Cần hỗ trợ | + Miền trung, tây nguyên, các đảo+ Các khu vực ven biển và nơi có gió địa hình khác |
3. Mặt trời | 4-5 kWh/m2/ngày | > 15 MW cho khu vực ngoài lưới.+ Để phát triển cần hỗ trợ. | + Nhiệt mặt trời: Tất cả các khu vực dân cư+ Điện mặt trời: Khu vực dân cư ngoài lưới |
4. Sinh khối | Cho hộ gia đình, tiểu thủ công nghiệp các tỉnh | ||
+Gỗ củi | 600-700 MW | ||
+Phụ phẩm nông nghiệp | + Trấu: 197 – 225+ Bã mía: 221 – 276 | Trấu: Khu vực ĐB sông Mê KôngBã mía: Khu vực chế biến đường | |
5. Sinh học+Khí sinh học | > 570 triệu m3 | 58 | + Hộ gia đình nông thôn+ Trang trại, khu vực chế biến |
+Nhiên liệu sinh học | Chưa xác định | Chưa xác định | + Giao thông vận tải+ Sản xuất điện |
6. Địa nhiệt | < 400 MW | + Không kinh tế với giá điện hiện nay. Cần hỗ trợ | Khu vực miền Trung, Tây Bắc |
7. Thủy triều | > 100 MW | Chưa xác định | Các tỉnh duyên hải |
8. Rác thải SH | 350 MW | 222 | Các khu đô thị |
Như vậy, tiềm năng NLTT Việt Nam đa dạng và khá phong phú nhưng chưa được đánh giá, khảo sát đầy đủ, thiếu tư liệu để đánh giá tính khả thi, phần được sử dụng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Quy hoạch điện VII đã định hướng các nguồn NLTT sản xuất điện năng chính sẽ là năng lượng gió, thủy điện nhỏ và sinh khối như vậy là hợp lý.
Sử dụng NLTT hiện nay và triển vọng trong thời gian tới
Với thủy điện nhỏ, thời gian qua đã khai thác khoảng 50% tiềm năng, các nguồn còn lại ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực không thuận lợi, giá khai thác cao. Ngoài ra, tiềm năng thủy điện nhỏ giảm dần vì diện tích rừng đầu nguồn đang bị thu hẹp và biến đổi khí hậu, lượng mưa hàng năm ít hơn, khô hạn nhiều hơn nên triển vọng trong tương lai nguồn này không còn nhiều.
Với năng lượng gió, hiện tại giá điện gió với vận tốc gió 6,5 m/s và với tần suất gió có vận tốc trên 6 m/s từ 20 – 25% trở lên chỉ trong khoảng 8-9 USc/kWh (phụ thuộc công nghệ). Như vậy, việc Quy hoạch điện VII định hướng điện gió chiếm tỷ trọng cao trong các nguồn điện NLTT trong giai đoạn 2011 – 2020 – 2030 là có cơ sở. Cho đến nay đã có một số dự án điện gió được triển khai và đi vào hoạt động:
Tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió với tổng công suất 120MW, đã hoàn thiện giai đoạn 1 với công suất lắp đặt 30 MW (20 tuabin gió x 1,5 MW mỗi tua bin), đã chính thức được nối lên lưới điện quốc gia vào tháng 3 năm 2011.
Trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió lai tạo với máy phát điện diesel của Tổng công ty Điện lực Dầu khí, có tổng công suất là 9 MW (gồm 3 tuabin gió x 2 MW mỗi tuabin + 6 máy phát diesel x 0,5 MW mỗi máy phát) đã lắp đặt xong.
Tại tỉnh Bạc Liêu, vùng đồng bằng Sông Cửu Long, một dự án điện gió khác cũng đã lắp đặt xong giai đoạn 1 gồm 10 tuabin gió, với công suất 10×1,6 MW, đã hoà lưới ngày 25-5-2013, điện được bán với giá 7,8 cents/kWh; giai đoạn 2 dự kiến lắp tiếp 52 tuabin công suất tương tự.
Tại Cần Giờ – TP. Hồ Chí Minh đang triển khai dự án điện gió tổng công suất 200MW.
Tới đây, với quy hoạch và lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, việc phát triển điện gió sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Về năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện tại Việt Nam chủ yếu là nguồn điện pin mặt trời được lắp đặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Các hệ thống pin mặt trời đã có mặt ở 38 tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay có hai loại công nghệ, đó là công nghệ quang điện và công nghệ nhiệt điện mặt trời. Công nghệ quang điện sử dụng các tấm pin mặt trời để sản xuất điện. Tuy nhiên, cho đến nay suất đầu tư cao và do đó giá điện mặt trời vẫn còn rất cao so với thu nhập của người dân (trên 20USc/kWh). Công nghệ nhiệt điện mặt trời sử dụng các máng thu parabon hội tụ hay các tháp hội tụ để tập trung NL mặt trời cho sản xuất điện. Công nghệ này cho giá điện rẻ hơn, nhưng vẫn cao (trên 14USc/kWh). Do vậy, để năng lượng mặt trời phát triển trong tương lai cần hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ thích hợp.
Cho đến nay, có nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam như: Dự án điện mặt trời với công suất 154 kWp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội; Dự án nối lưới và điện khí hoá nông thôn được thực hiện bởi SolarLab với sự công tác của Bộ Khoa học Công nghệ Việt nam (MOST) và Atersa của Tây Ban Nha, 2006-2009; Dự án điện mặt trời với công suất 100 kWp (tài trợ bởi Nedo – Japan) ở Gia Lai …
Việc sản xuất nhiên liệu sinh học thí điểm và thương mại đã không ngừng gia tăng trong 5 năm qua, năm 2009 được xem là năm khởi động cho ngành nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Trong sản xuất điện từ năng lượng sinh khối, một số dự án tiêu biểu tại Việt Nam là công nghệ đồng phát nhiệt điện từ bã mía và trấu. Cụ thể là: Các thiết bị đồng phát nhiệt – điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường có tổng công suất khoảng 150 MW; Sản xuất điện từ trấu ở thành phố Cần Thơ và Tỉnh An Giang mới bước đầu phát triển…
Về năng lượng địa nhiệt, tháng 9/2012, tỉnh Quảng Trị đã cấp phép đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông, với công suất 25MW, mở đầu cho việc khai thác nguồn năng lượng mới trong tương lai gần.
Như vậy, hiện tại ở nước ta có 5 loại NLTT đã được khai thác để sản xuất điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng công suất lắp đặt khoảng 1.215 MW. Các nguồn NLTT đang được khai thác là: thuỷ điện nhỏ (1000 MW), sinh khối (152 MW), rác thải sinh hoạt (8 MW), mặt trời (3 MW) và gió (52 MW). Tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn NLTT trên mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, khoảng 2% tổng nhu cầu điện năm 2011.
Như vậy, với các thông tin đã thu thập được, ta có bảng tổng hợp về thực trạng sử dụng NLTT hiện nay ở nước ta như sau:
Bảng 5 – Thực trạng sử dụng NLTT cho phát điện năm 2011
STT |
Loại nguồn |
Công suất (MW) |
1 |
Thủy điện nhỏ |
1.000 |
2 |
Gió |
52 |
3 |
Mặt trời |
3 |
4 |
Sinh khối |
152 |
5 |
Rác thải sinh hoạt |
8 |
Tổng cộng |
1.215 |
Triển vọng trong những năm tới, với các dự án điện năng lượng tái tạo đã và đang trong quá trình thực hiện thì những con số này sẽ gia tăng nhiều hơn nữa. Theo Quy hoạch điện VII, chỉ tiêu được đặt ra là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT chiếm 3,5% năm 2010 lên 4,5% và 6% vào năm 2020 và năm 2030. Với bối cảnh hiện nay và dự báo trong thời gian tới, đặc biệt với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chúng tôi đồng tình với nhiều chuyên gia khuyến nghị cần nâng mức phát triển NLTT cao hơn.
Một số đề xuất khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT cho chiến lược tăng trưởng xanh.
Xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia
Quy hoạch tổng thể này sẽ xác định phương án hợp lý phát triển năng lượng tổng thể cho các giai đoạn quy hoạch đặt ra về: Nhu cầu nhiên liệu, năng lượng và cơ cấu các nguồn cần sử dụng cho các lĩnh vực tiêu thụ; Cơ cấu vốn đầu tư giữa các phân ngành năng lượng trong đó NLTT được xem xét; Các công nghệ năng lượng hiệu quả, thích hợp; Xác định lượng phát thải khí nhà kính hợp lý cho từng giai đoạn; Định hướng các biện pháp bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng …
Thành lập cơ quan quản lý phát triển năng lượng tái tạo
NLTT đang dần chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống năng lượng của nước ta, mặt khác với tính đa dạng và phân tán, nhưng Nhà nước chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển NLTT, chưa có cơ quan chuyên trách quản lý phát triển NLTT, nên NLTT ở nước ta thời gian qua phát triển chậm. Vì vậy, muốn phát triển NLTT thì Nhà nước cần thành lập cơ quan quản lý phát triển NLTT. Cơ quan này có chức năng: Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển NLTT để trình Chính phủ phê duyệt; Tổ chức triển khai chính sách khuyến khích phát triển NLTT đã được Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển và giá NLTT hợp lý
Không có sự hỗ trợ này thì khó có thể triển khai rộng rãi công nghệ NLTT. Gần như tất cả các nước phát triển và rất nhiều nước đang phát triển đều đã có chính sách hỗ trợ phát triển NLTT; đồng thời, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, giá cả hợp lý cho các loại năng lượng.
Xây dựng cụ thể và triển khai chương trình sản xuất điện từ năng lượng tái tạo
Cụ thể cần đưa ra các mốc thời gian cho từng bước, từng giai đoạn và đề xuất các đơn vị tham gia xây dựng đề án khả thi. Nên ưu tiên mô hình nguồn điện tập trung có lưới tải và phân phối điện mini 220V-50Hz. Nguồn điện này thích hợp với các thiết bị điện phổ thông; điều hoà được nhu cầu phụ tải, giảm thiểu lãng phí; quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng thuận lợi dễ dàng. Với hệ thống này có thể tổ chức tổ kỹ thuật chuyên trách và thuận lợi hơn cho việc bán điện. Nếu có điều kiện có thể kết hợp với các nguồn năng lượng khác (hệ lai ghép). Cần tổ chức mạng lưới dịch vụ cung cấp các phụ kiện chuyên dụng trong hệ điện NLTT như đèn 12VDC, Bộ Điều khiển, Bộ Biến đổi điện… Cần biên soạn các tài liệu hướng dẫn vận hành, bảo trì, bảo dưỡng dưới dạng ngắn gọn, dễ hiểu cung cấp rộng rãi cho người dân.
Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản về NLTT
Nước ta có tiềm năng rất lớn về NLTT nhưng cho tới nay vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ, cụ thể và chính xác rằng tiềm năng đó là bao nhiêu, khả năng khai thác và sử dụng đến mức độ nào. Chính vì vậy cần tăng cường đầu tư cho những nghiên cứu cơ bản về NLTT để có số liệu đầy đủ, hệ thống và tin cậy về tiềm năng khai thác, sử dụng NLTT cho phát điện cho từng vùng, miền ở Việt Nam.
Kết luận
Nguồn năng lượng truyền thống của nước ta đang suy giảm dần do trữ lượng có hạn mà nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, kèm theo đó là việc tiêu thụ năng lượng này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng tái tạo là góp phần giảm tiêu thụ than, dầu, khí đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Vì thế, Việt Nam cần tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển NLTT để bảo vệ môi trường, đảm bảo năng lượng phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã định hướng.
NangluongVietnam.vn