Sáng ngày 20/11, tại phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII đã bỏ phiếu tán thành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với tỷ lệ phiếu tán thành đạt 91,16%.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.
Quốc hội biểu quyết thông qua Khoản 3, Khoản 13 và Khoản 15, Điều 1 của Dự thảo Luật. Tiếp đến, biểu quyết thông qua toàn bộ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với tỷ lệ tán thành đạt 91,16%
Điểm mới đáng chú ý của Luật Điện lực là quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành, liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt qua khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
Đối với giá điện ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo chưa có lưới điện quốc gia, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại các khu vực này một cách linh hoạt hơn như hỗ trợ khoản tiền trực tiếp (hiện nay Nhà nước đã hỗ trợ 30.000 đồng/tháng tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo), hỗ trợ thông qua cơ chế giá… phù hợp với các cấp độ của thị trường điện lực. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút đầu tư phát triển điện tại những khu vực này.
Theo EVN