Do tác dụng của nhiệt và do quá trình bốc hơi, trong nước nồi hơi diễn ra các quá trình hóa lý khác nhau, một loạt hợp chất bị phân hủy và một loạt hợp chất khác sinh ra… Trong nhiều trường hợp quá trình này dẫn đến sự tạo ra các hợp chất không hòa tan tách ra khỏi dung dịch bảo hòa dưới dạng cặn và trong những điều kiện nhất định biến thành cặn bám hoặc bùn. Chất lắng đọng dính chặt trên bề mặt đun nóng hay làm lạnh có khả năng phá hoại sự làm việc bình thường của nồi hơi.
Thành phần hóa học của cặn bám tạo ra trong nồi hơi rất khác nhau, song có thể phân chúng thành 4 nhóm khác nhau:
1. Cặn bám kim loại kiềm thổ chủ yếu bao gồm các hợp chất của canxi và magie: CaCO3, CaSO4, CaSiO3, Ca3(PO4)2, MgO, Mg(OH)2, Mg3(PO4)2. Tùy thuộc vào số lượng của chất nào có nhiều trong cặn bám mà người ta phân biệt ra cặn bám cacbonat CaCO3, sunfat CaSO4, photphat Ca3(PO4)2 và v..v.. Cũng có thể có cặn bám loại hỗn hợp gồm nhiều hợp chất.
2. Cặn bám oxyt sắt: Trong thành phần của loại cặn lắng này có thể có silicat sắt, photphat sắt Fe2(PO4),3, sắt photphat natri NaFePO4 oxyt sắt Fe2O3, Fe3O4.
3. Cặn bám đồng: Trong thành phần của cặn bám chứ một số lượng lớn đồng.
4. Cặn bám silicat có các thành phần khác nhau. Tính chất quan trọng nhất của cặn bám là độ dẫn nhiệt thấp, nó thay đổi phụ thuộc vào cấu trúc và độ rỗng của vật chất lắng đọng.
Sơ đồ công nghệ xử lý tiêu biểu
Để ngăn ngừa việc tạo ra cặn bám trong nồi hơi, phương pháp chủ yếu là làm mềm triệt để nước cấp cho nồi hơi và nâng pH để ngăn ngừa quá trình tạo cặn bám.
Làm mềm nước chủ yếu dựa vào quá trình trao đổi ion, vì quá trình này khử hầu hết ion hóa trị II.Nâng pH thường dùng xút NaOH để kiềm hóa nước mềm cấp cho nồi hơi, vì nếu dùng Soda Na2CO3, NaHCO3 chúng dễ bị thủy phân trong nước nồi hơi tạo ra khí CO2 làm bẩn hơi và gây ra tác dụng gỉ trên các tuyến ngưng tụ.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước tiêu biểu cho các nguồn cấp đạt tiêu chuẩn sinh hoạt, nước máy và nước giếng nhiễm sắt nhẹ.