Cả nước đang có 3 nhà máy sản xuất ethanol – nhiên liệu sinh học – nhưng 1 nhà máy đã tạm dừng hoạt động, 2 nhà máy còn lại đang hoạt động cầm chừng.
Đầu ra chủ yếu của ethanol hiện nay là làm nguyên liệu sản xuất xăng E5 nhưng hiện chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia phân phối loại xăng này. Tổng lượng xăng E5 do Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cung cấp ra thị trường trong năm 2012 chỉ khoảng 22.000 m3, bằng 1,1% công suất sản xuất của 1 nhà máy ethanol.
Lượng ethanol nhiên liệu dư thừa phải xuất khẩu sang Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong khi đó, giá ethanol trên thế giới xuống thấp, nhưng các nhà máy Việt Nam còn trong giai đoạn khởi đầu, nên giá thành sản xuất cao.
Các nguồn năng lượng sạch đầy tiềm năng khác như điện sinh khối từ bã mía, trấu, rơm rạ, phế phẩm gỗ… cũng chưa phát triển dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (CDM) – Viện Năng lượng, hiện nay có 40 nhà máy sử dụng công nghệ đồng phát điện sinh khối từ bã mía, với tổng công suất lắp đặt khoảng 150 MW, trong đó có 5 nhà máy bán điện lên lưới với giá bán từ 580 – 1.000 đồng kWh. Còn sản xuất điện từ trấu thì chưa có nhà máy nào, trong khi Việt Nam mỗi năm sản xuất ra 40 triệu tấn lúa, 20% trong số đó là trấu (khoảng 8 triệu tấn). Với một lượng trấu tương đương, Thái Lan sản xuất khoảng 1.000 MW điện.
Ở TP.HCM, trạm phát điện sinh khối từ rác thải sinh hoạt tại bãi rác Gò Cát (Q.Bình Tân) đã phát điện hòa lưới từ tháng 7.2005 đến nay. Theo TCT điện lực TP.HCM, chỉ tính riêng năm 2012, sản lượng điện từ trạm này đã phát lên lưới đạt hơn 4 MWh. TCT điện lực TP.HCM cũng đang xem xét hồ sơ và tổ chức đàm phán với Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) về việc mua điện từ dự án thu hồi khí metan dùng để phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (H.Bình Chánh), với công suất lên đến 20 MW.
Cần hỗ trợ thuế, phí
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết hiện Bộ Công thương đang được Chính phủ giao soạn thảo cơ chế cho điện sinh khối (từ bã mía, trấu, phế thải gỗ và rơm rạ), hy vọng đến cuối năm 2013 sẽ ban hành, với những hỗ trợ về thuế thu nhập DN, phí môi trường…
Theo ông Cường, khi xây dựng cơ chế hỗ trợ, Bộ Công thương đã tham khảo giá điện ở các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… Ở các nước này, giá hỗ trợ cho các chủ đầu tư điện sinh khối từ 8 -10 cent/kWh, thậm chí có nơi 15 – 20 cent/kWh (quy mô đầu tư càng nhỏ thì giá càng cao), với thời gian mua điện với giá hỗ trợ từ 5 -10 năm, thậm chí 15 – 20 năm.
Bộ Công thương đang đề xuất giá hỗ trợ điện sinh khối là gần 6 cent/kWh từ bã mía; 7,3 – gần 8 cent/kWh từ trấu; 10 – 11 cent/kWh từ rơm rạ và từ 8,7 – 9,2 cent/kWh từ gỗ. Các dự án điện sinh khối còn có thể thực hiện theo cơ chế phát triển sạch để có thêm nguồn thu từ việc bán các chứng chỉ giảm phát thải khí CO2. Ngoài ra, các nhà máy điện trấu còn có thể bán được tro trấu với giá có khi còn lãi nhiều hơn là bán điện. Loại tro trấu chất lượng cao (trên 90% là silic) được dùng để sản xuất chất bán dẫn.
Từ kết quả tính toán giá điện, giai đoạn từ nay đến năm 2016 tập trung phát triển 2 loại sinh khối phù hợp với giá điện của hệ thống và khả năng chi trả của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là bã mía và một số nhà máy điện trấu. Sau năm 2016, khi nhu cầu nhập khẩu than tăng, giá điện của hệ thống tăng tiệm cận 8 – 9 cent/kWh, khi đó các loại dự án trấu khác và 2 loại sinh khối là phế thải gỗ, rơm rạ cần được khai thác và đẩy mạnh.