Trong tình hình chung, khi nền kinh tế đang chuyển mình để thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4 (NQTW4) Khóa XI một cách nghiêm túc, nhiều người đã sai lầm khi cho rằng, tái cơ cấu các tập đoàn chỉ đơn giản là “rút vốn” và “sắp xếp” lại một số lĩnh vực kinh doanh “đa ngành” mang tính “râu ria”. Đối với ngành Than, việc “rút” vốn cũng khó khả thi vì lượng vốn có nguồn gốc từ ngành Than đã bị đầu tư ra ngoài ngành lớn đến mức không thể “hoàn” lại được. Vì vậy, nếu nhận thức và tiếp cận một cách thực sự, tái cơ cấu cần phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn phải được triển khai một cách bài bản. Các tập đoàn kinh tế (đối tượng của NQ TW4) như Vinacomin cần phải coi tái cơ cấu là cơ hội, chứ không phải là thách thức và cần được tái cơ cấu một cách công khai, minh bạch, chứ không nên thực hiện theo kiểu đối phó.
Sau đây, chúng tôi xin nêu ra những dấu hiệu ngày càng cho thấy rõ, ngành Than Việt Nam, nếu không được tái cơ cấu một cách thực sự, sẽ tiếp tục dấn sâu vào con đường hầm không lối thoát.
Thứ nhất: Ngành Than Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng!
Trước đây, các cuộc khủng hoảng của ngành Than chưa bao giờ mang tính hệ thống (toàn diện và sâu sắc) như ngày nay.
Hiện nay, ngành Than Việt Nam đang bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng “cung/cầu” mang tính chu kỳ. Sau cuộc khủng hoảng “thừa” than năm 1999, đã có thời kỳ thiếu than cho điện và xi măng và đến 2012 lại “thừa” than. Trong tương lai, nếu nền kinh tế lấy lại mức tăng trưởng GDP 8-9%/năm, Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng thiếu than triền miên.
Trong khi đó, do thiếu tầm nhìn chiến lược, ngành Than Việt Nam đang mất định hướng phát triển (khủng hoảng) về các mặt quan trọng như: thị trường, cơ cấu/chất lượng sản phẩm, áp dụng KHCN, đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất v.v…
Ngoài ra, các qui hoạch phát triển ngành Than do các cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện có chất lượng rất thấp, thiếu cơ sở, không mang tính hệ thống. Qui hoạch mới nhất của ngành Than vừa được ban hành đang “vỡ” ngay trên giấy.
Thứ hai: Chất lượng sản phẩm than của Việt Nam ngày càng xuống thấp và kém hấp dẫn!
Trước năm 1995, ngành Than chỉ sản xuất 11-15 chủng loại than, trong đó có 10 chủng loại than TCVN (5 loại than cục và 5 loại than cám) và 1-5 loại than Tiêu chuẩn ngành (TCN). Năm 2013, Vinacomin sản xuất 43 chủng loại than (21 loại than cục, 18 loại than cám, và 4 loại than bùn sau tuyển). Trong đó có tới 11 chủng loại than có sản lượng chỉ dưới 100 ngìn tấn/năm. Theo “kế hoạch phối hợp kinh doanh” năm 2013 của Vinacomin, chủng loại than TCVN chỉ chiếm 29%, còn lại 71% là TCN và tiêu chuẩn cơ sở.
Thứ ba: Ngành Than đang không được quản lý theo qui luật thị trường!
Mặc dù được Chính phủ cho phép chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển từ rất sớm, nhưng, ngay cả sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, ngành Than vẫn duy trì cơ chế hoạt động theo “kế hoạch phối hợp kinh doanh”. Hàng năm tổ chức 3-4 cuộc “phối hợp” toàn tập đoàn để phân bổ, phân chia, phân công, giao, bù trừ, sắp xếp trong nội bộ v.v… “Kế hoạch phối hợp kinh doanh” của Vinacomin thực chất là thủ tiêu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của Vinacominvà thủ tiêu sự cạnh tranh giữa các đơn vị của Vinacomin và ngoài Vinacomin.
Kế hoạch “phối hợp kinh doanh” ngày càng đi ngược cơ chế thị trường với nội dung chủ yếu là phân chia thị trường, sản phẩm, dịch vụ, và cuối cùng là phân chia cả lợi nhuận. Việc phân chia này mang tính bao cấp, thủ tiêu động lực phát triển, triệt tiêu tính năng động của các doanh nghiệp, dẫn đến sự ỷ lại của các đơn vị, tạo kẽ hở cho những tiêu cực mang tính “xin-cho” trong quá trình điều hành, đồng thời đã dẫn đến việc đánh giá kết quả SXKD của doanh nghiệp, hay thành tích của các cán bộ từ trước đến nay không khách quan và thiếu chính xác.
Thứ tư: Lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác than lộ thiên và xuất khẩu than sang Trung Quốc là sai lầm!
Trong khi hơn 85% nguồn tài nguyên than của Việt Nam chỉ có thể khai thác bằng công nghệ hầm lò, nhưng gần 20 năm qua Vinacomin chỉ dựa vào công nghệ khai thác lộ thiên (dễ làm) để tăng trưởng. Thậm chí, nhiều mỏ hầm lò cũng được “phối hợp kinh doanh” khai thác lộ thiên.
Lẽ ra, các mỏ lộ thiên phải đóng vai trò bình ổn sản lượng để đảm bảo cấp than ổn định và lâu dài cho các ngành kinh tế (nhất là cho nhiệt điện trong mùa khô). Nhưng ngược lại, thời gian qua các mỏ than lộ thiên đã được khai thác tối đa trong cuộc đua maratong thành tích.
Nhiều mỏ lộ thiên như Núi Béo, Núi Hồng, Khánh Hòa, Cọc Sáu, Cao Sơn, Nông Sơn mặc dù trữ lượng than không tăng, nhưng đã được điều chỉnh công suất thiết kế lên cao hơn nhiều lần mức tối ưu, dẫn đến hậu quả phải tăng quá nhanh lực lượng lao động thủ công tại các mỏ này, trong khi mỏ lại có nguy cơ phải đóng cửa sớm hơn (công nhân mất việc làm nhiều hơn và nhanh hơn).
Trong khi, các nhà máy nhiệt điện và xi măng là những hộ dùng than chủ yếu trong nước và cũng là đối tượng chính cần đảm bảo nhu cầu than về lâu dài, Vinacomin đã lựa chọn con đường xuất khẩu than chủ yếu (trên 80%) sang Trung Quốc để “phát triển bền vững”. Gần 100% than xuất khẩu vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng (là những loại than dự kiến sẽ thiếu trong tương lai gần).
Thứ năm: Đã buông lỏng quản lý kỹ thuật trong khai thác than lộ thiên!
Hầu hết các mỏ than lộ thiên đều không có bãi thải được thiết kế đúng theo qui định. Các mỏ lộ thiên càng lớn thì vi phạm về quản lý kỹ thuật càng nghiêm trọng. Các mỏ lộ thiên đang đổ thải tùm lum, lẫn lộn vào các bãi thải chung. Việc này đã dẫn đến không thể kiểm soát được khối lượng đất đá bốc tính vào giá thành. Hàng năm, chỉ trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 200 triệu mét khối đất đá (lớn gấp 10 lần đập thủy điện Hòa Bình) được các mỏ lộ thiên tính vào giá thành than ít nhất 15.000 tỷ đồng/năm, nhưng không rõ được đổ đi đâu? đo đạc tính toán như thế nào? giám sát, kiểm tra bằng cách gì?
Đặc biệt, việc khai thác các lộ vỉa than bằng công nghệ lộ thiên là một ấu trĩ và vi phạm lớn về kỹ thuật, đã và sẽ dẫn tới các vụ tai nạn bục nước, đổ lò thường xuyên hơn, chất lượng than thương phẩm ngày càng xuống cấp, và phải trả giá cao về quản lý.
Thế mạnh của toàn ngành Than Việt Nam về công nghệ khai thác lộ thiên đã chuyển thành “thế lực” của một số mỏ lộ thiên trong việc “thuê ngoài”, mua sắm vật tư thiết bị và tuyển dụng lao động nhiều hơn.
Thứ sáu: Đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật rất kém hiệu quả trong khai thác than hầm lò!
Cơ giới hóa khai thác than hầm lò là một hướng quan trọng để nâng cao hiệu quả và giảm tai nạn lao động. Nhưng chủ trương này đã bị lợi dụng để một số cá nhân triển khai mang tính “chộp giật”.
Mặc dù, các khoáng sàng than hầm lò của Việt Nam đã được biết trước là có điều kiện mỏ – địa chất rất phức tạp, nhưng Viện KHCN Mỏ của Vinacomin vẫn nhập khẩu các thiết bị cơ giới hóa đắt tiền, hoàn toàn không phù hợp với điều kiện mỏ – kỹ thuật để đưa về “đắp chiếu” (máy liên hợp đào lò), hoặc sử dụng rất kém hiệu quả (các tổ hợp cơ giới hóa lò chợ VINAALTA, KDT, các hệ thống cảnh báo khí methan v.v…).
Mặc dù, công nghệ khai thác than đang có nhiều bế tắc, nhưng các đơn vị nghiên cứu KHKT đã được chuyển từ chức năng nghiên cứu sang chức năng kinh doanh dự án. Đặc biệt, viện KHCN Mỏ đã biến thành đầu mối nhập khẩu không qua đấu thầu nhiều thiết bị đắt tiền, và thực hiện chức năng tư vấn thiết kế các mỏ để đưa ra các giải pháp kỹ thuật kém hiệu quả.
Thứ bảy: Kinh doanh đa ngành đã bị lợi dụng và thực hiện một cách sai lầm!
Hơn 99% lợi nhuận của Vinacomin có được nhờ hòn than. Như vậy, vốn tự có của Vinacomin để đầu tư vào các lĩnh vực “kinh doanh đa ngành” khác cũng nhờ hòn than 99%. Trong khi các mỏ than đang thiếu vốn đầu tư, việc dùng lợi nhuận nhờ xuất khẩu than để đầu tư ra ngoài ngành Than là một sai lầm nghiêm trọng. Độc quyền nhà nước trong lĩnh vực khai thác – xuất khẩu than đã bị lợi dụng và biến thành độc quyền của những cá nhân (những người có quyền).
Các mỏ khai thác than đang ngày càng hụt hơi vì phải “gánh” cho các lĩnh vực “kinh doanh đa ngành” kém hiệu quả khác.
Theo kế hoạch 2013, tổng doanh thu của than là 59.912 tỷ đồng, tổng giá thành than tiêu thụ chưa có VAT là 55.513 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của riêng các mỏ than là 4.399 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn chỉ có 2.500 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2013 gần 1.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của than đã được dự tính để bù lỗ dưới nhiều hình thức cho các lĩnh vực kinh doanh đa ngành khác.
Kinh doanh đa ngành lẽ ra chỉ là “kéo dài chuỗi sản phẩm chính”, chỉ thực hiện đối với Tập đoàn, nhưng chủ trương này đã được “sáng tạo” triển khai ở cả các đơn vị thành viên, nhảy sang các lĩnh vực của người khác. Ở nhiều công ty “con” cũng có đủ ngành nghề kinh doanh như của Tập đoàn công ty “mẹ” (cũng thăm dò địa chất, sản xuất xi măng, buôn bán vật tư, xuất khẩu than, sản xuất cơ khí, xây dựng, vận tải, kinh doanh khách sạn nhà nghỉ v.v…).
Điển hình cho tư duy “hợp tác xã” trong “kinh doanh đa ngành” là Tổng công ty Khoáng sản và Tổng công ty CN Mỏ Việt Bắc.
Thứ tám: Tổ chức quản lý thiếu bài bản, thừa ngẫu hứng!
Vinacomin ban đầu được thành lập và hoạt động như một mô hình thí điểm, đã qua hơn 10 lần “đổi mới tổ chức”, nhưng chưa một lần tổng kết nghiêm túc để rút kinh nghiệm, và đánh giá khách quan (kể cả 3 lần được tổ chức mới).
Tập đoàn – công ty mẹ Vinacomin hiện nay thực chất chỉ như một phép cộng của các đơn vị rời rạc nằm ngoài lĩnh vực khai thác than. Các công ty “con” lại không đồng nhất về mô hình quản lý (một số được quản lý theo mô hình công ty cổ phần, một số được quản lý theo mô hình công ty TNHH) và có mô hình tổ chức tùy hứng, mỗi đơn vị một kiểu rất khác nhau.
Điển hình là Tổng công ty CN Mỏ Việt Bắc. “Tổng công ty” này được tổ chức theo mô hình “kinh doanh đa ngành”, nhưng giống như “hợp tác xã” với tư duy kinh doanh theo kiểu “hàng xén”.
Xuất thân từ các mỏ Núi Hồng, Khánh Hòa và Na Dương (cùng với các đơn vị xây lắp, địa chất, cơ khí, lò vôi v.v… hoạt động xung quanh các mỏ này) đến nay “Tổng công ty” “đa ngành” này có tới 16 công ty trực thuộc, trong đó cơ tới 3 công ty xi măng. Giá trị khai thác than của “Tổng công ty” này chỉ chiếm 37%, nhưng đang phải gánh toàn bộ số lỗ năm 2013 (ước khoảng 48 tỷ đồng) của 13 đơn vị “kinh doanh đa ngành” còn lại.
Cái giá phải trả cho việc “kinh doanh đa ngành” trong tương lai còn “đắt” hơn nhiều do lĩnh vực kinh doanh chính bị buông lỏng quản lý (đặc biệt đối với mỏ Na Dương, Khánh Hòa và mỏ Núi Hồng). Hiện nay, nguy cơ thiếu than cấp cho các dự án nhiệt điện (trong đó có nhà máy điện Cao Ngạn của Vinacomin) ở khu vực Thái Nguyên đang ngày càng rõ nét.
Mỏ than Na Dương sẽ đi vào lịch sử ngành mỏ của thế giới với 3 cái nhất: là mỏ lộ thiên cấp than cho phát điện tại chỗ với cung độ ngắn nhất, bằng loại than xấu nhất, nhưng với giá thành cao nhất!
Tổng công ty Khoáng sản cũng có mô hình tổ chức sản xuất manh mún và không thống nhất. Trong Tổng công ty này cũng tồn tại và hoạt động các công ty như “thương mại và du lịch Bằng Giang”, “vận tải và thương mại liên Việt”, “vật tư mỏ địa chất”, “phát triển khoáng sản 3”, “phát triển khoáng sản 4”; “nhà máy cơ khí 19/5”. Nhiều bất cập về mô hình tổ chức “do lịch sử để lại” đến nay sau gần ½ thế kỷ vẫn chưa được đổi mới.
Tuy nhiều lần “đổi mới”, nhưng mô hình tổ chức vẫn không phù hợp, và ngày càng kém hiệu quả. Những nơi cần “khép” thì lại được “mở”, những nơi cần “mở” thì lại bị “khép”. Nhiều khâu sản xuất kinh doanh khi được tổ chức theo kiểu phân tán, khi lại tập trung không có luận giải, cũng không dựa trên cơ sở khoa học nào, chỉ phản ánh tư duy tùy tiện và ý đồ của lãnh đạo.
Các khu vực ngoài mỏ ở vùng Cửa Ông, Hòn Gai, Uông Bí, Mạo Khê cần “khép” kín từ khâu vận xuất, sàng tuyển, bốc rót, tiêu thụ, chuyển tải, xuất khẩu v.v… để nâng cao hiệu quả cuối cùng của than, giảm chi phí, giảm biên chế, thì lại được “mở” bung ra để tạo ra ngày càng nhiều kẽ hở cho tiêu cực.
Đặc biệt, mô hình tổ chức sản xuất theo sơ đồ “kín” của các mỏ than lộ thiên khu vực Cẩm Phả và Hòn Gai như hiện nay đang làm tăng chi phí đầu tư, không phù hợp với yêu cầu mở rộng khai trường và xuống sâu.
Việc xuất khẩu than cần tập trung một đầu mối (để bán được đắt), nhưng lại được phân cho nhiều đơn vị, đã tạo ra sân sau cho buôn lậu than. Việc nhập khẩu vật tư thiết bị cần “mở” cho các mỏ thực hiện (để mua được rẻ) thì lại tập trung vào một số đơn vị độc quyền làm bình phông cho các “sân sau”.
Trong khi, những doanh nghiệp làm ra lợi nhuận thật thì rất ít, nhưng mô hình quản lý củaVinacomin hiện nay có rất nhiều đầu mối (nhiều “ghế”) và nhiều “ăn theo”.
Năm 2012, Vinacomin có tới 83 đơn vị thành viên, trong đó có 19 đơn vị trực thuộc Tập đoàn – công ty mẹ; 65 công ty con; và khoảng 100 công ty cháu. Nhiều công ty “con” có hàng chục đơn vị “cháu” (như Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty than Đông Bắc, Tổng công ty CN Mỏ Việt Bắc). Nhưng số doanh nghiệp làm ra lợi nhuận thực chỉ khoảng 25.
Thứ chín: Đầu tư phát triển theo tư duy nhiệm kỳ!
Đầu tư tái sản xuất mở rộng là nhiệm vụ và trách nhiệm số 1 của HĐTV trong bất cứ cơ chế nào. Thế nhưng, tư duy nhiệm kỳ thể hiện rất rõ trong suốt gần 20 năm qua và cho đến nay. Sau 20 năm, Vinacomin chưa đầu tư được bất kỳ một mỏ than mới nào so với Tổng sơ đồ phát triển do Liên Xô (trước đây) lập.
Việc đầu tư tái sản xuất giản đơn cũng rất kém hiệu quả. Các mỏ than được xây dựng từ thời bao cấp như Vàng Danh (mỏ hầm lò) và Núi Béo (mỏ lộ thiên) vẫn đang phải còng lưng gánh lỗ cho các mỏ khác đang được hoạt động theo cơ chế “phối hợp” của Vinacomin.
Hiện nay, khi các mỏ than đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, ngành Than bình quân phải đầu tư gần 40.000 tỷ đồng/năm, nhưng theo kế hoạch “phối hợp” năm 2013, HĐTV chỉ “chấp nhận” được dưới 20.000 tỷ đồng của cả Tập đoàn.
Trước đây, lợi nhuận của xuất khẩu than đã được “tự quyết định và tự chịu trách nhiệm” điều “vô tư” cho các nhu cầu kinh doanh đa ngành (ngoài than) không dưới hàng ngìn tỷ đồng/năm, nhưng hiện nay, khi không cân đối đủ vốn đầu tư cho lĩnh vực than thì không ai chịu trách nhiệm và được đổ lỗi cho chính ngành Than.
Thứ mười: Không còn khả năng cạnh tranh, “thua” ngay trên sân nhà!
Khả năng huy động vốn của các mỏ than gần như không còn. Hiện mức độ tín nhiệm của Vinacomin trên thị trường vốn ngày càng bị đánh giá thấp. Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các mỏ than, đặc biệt là các mỏ hầm lò, đều vượt quá mức báo động, có mỏ tới 5-8 lần vốn chủ sở hữu (vì lợi nhuận đã bị điều sang kinh doanh đa ngành).
Lợi nhuận của cả ngành Than hầu như không đáng kể so với nhu cầu vốn để tái sản xuất. Theo kế hoạch năm 2013, giá thành sản xuất than bình quân 1,291 triệu đồng/tấn, (gần 65U$/tấn) trong khi giá bán than trên thị trường trong nước bình quân chỉ đạt 1,323 triệu đồng/tấn, và giá than xuất khẩu bình quân khoảng 1,511 triệu đồng/tấn. Như vậy, chênh lệch giá xuất khẩu và giá bán trong nước đã thu hẹp đáng kể (bình quân 0,188 triệu đồng/tấn). Việc xuất khẩu 16,0 triệu tấn chỉ mang lại cho ngành Than khoảng 3.000 tỷ đồng chênh lệch giá.
Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các mỏ than đang ở mức báo động. Chi phí khai thác than bằng công nghệ lộ thiên (dễ làm, rẻ tiền) đã cao hơn cả công nghệ hầm lò (khó làm, đắt tiền). Chi phí khai thác than của các đơn vị như Tổng công ty Đông Bắc, Công ty Tây Nam Đá Mài đã cao gấp 4 lần mức bình quân của thế giới.
Vì khuôn khổ bài báo có hạn, không cho phép trao đổi chi tiết hơn. Chúng tôi chỉ xin lưu ý, tất cả “10 con đường” nêu trên đều đang dẫn ngành Than Việt Nam đến “thành Rôm” (đường hầm không lối thoát). Vì vậy, việc tái cơ cấu phải chặn được tất cả 10 con đường trên, bỏ quên bất cứ con đường nào đều dẫn đến sụp đổ của ngành Than Việt Nam.
HVAC Việt Nam (Theo Vampro)