HVAC Việt Nam

Vai trò năng lượng tái tạo trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam (Kỳ 1)

vai tro nang luong tai tao - HVAC Việt Nam

Tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong quá trình phát triển. Bài báo trình bày về vai trò của năng lượng tái tạo (NLTT) trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Quốc gia thông qua những những nét chính về hiện trạng hoạt động năng lượng; mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của tăng trưởng xanh; tiềm năng và khả năng khai thác NLTT ở Việt Nam; sử dụng NLTT hiện nay, triển vọng trong thời gian tới và đề xuất một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển NLTT cho Chiến lược tăng trưởng xanh.

Mở đầu

Tiêu thụ năng lượng đã và đang tăng lên không ngừng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, góp phần ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu và nguồn tài nguyên năng lượng trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia được cảnh báo bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong quá trình phát triển. Theo Thông báo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam cho công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu [2], tổng lượng phát thải khí nhà kính ở nước ta năm 2000 tăng gần 1,5 lần so với năm 1994. Năm 2030, tổng phát thải có thể tăng 5-6 lần so với 1994. Trong đó, năng lượng được dự báo là ngành gây phát thải chính, chiếm trên 90% tổng lượng phát thải năm 2030.

NLTT có nhiều lợi ích cho nền kinh tế, giúp tăng sự đa dạng trong cung cấp năng lượng, và do đó làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cải thiện an ninh cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Sử dụng NLTT là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế và giảm năng lượng nhập khẩu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, thúc đẩy sử dụng NLTT được coi là một bước đi chiến lược nhằm gia tăng lợi ích kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Do đó, việc xem xét đầy đủ vai trò của năng lượng tái tạo là rất cần thiết góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Năng lượng và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Năng lượng vừa là ngành kết cấu hạ tầng vừa là ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế – quốc dân, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, ngành năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của kinh tế quốc dân và đời sống dân sinh. Trong gần 3 thập niên đổi mới vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Giai đoạn 2001-2010, GDP tăng bình quân 7%/năm; sản xuất năng lượng sơ cấp tăng khoảng 8%/năm [1].

Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới rất lớn và tăng nhanh, nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế. Theo Quy hoạch điện VII [1], dự báo phát triển nguồn điện; nhu cầu và khả năng cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện ở hai phương án cao và phương án cơ sở được thể hiện trong bảng 1 và bảng 2 dưới đây.

Bảng 1- Dự báo nhu cầu công suất và điện năng toàn quốc đến năm 2030 [1]

Năm Phương án 2015 2020 2025 2030
Công suất(MW) Phương án cao 33.426 57.180 88.401 132.201
Phương án cơ sở 30.803 52.040 77.084 110.215
Điện sản xuất (GWh) Phương án cao 210.852 361.945 561.506 833.817
Phương án cơ sở 194.304 329.412 849.621 695.147

Bảng 2- Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước và khả năng cung cấp [1], [7]

Đơn vị: Triệu tấn

Năm Phương án 2015 2020 2025 2030
Tổng Phương án cao 60,7 120,3 177,5 270,1
Phương án cơ sở 56,2 112,4 145,5 220,3
Trong đó: Cho sản xuất điện Phương án cao 38,0 90,8 144,7 231,1
Phương án cơ sở 33,6 82,8 112,7 181,3
Khả năng cấp than cho sản xuất điện Phương án cao 30,5 40,9 72,2 74,8
Phương án cơ sở 32,6 40,1 56,9 51,4

Như vậy, nhu cầu than sử dụng trong nước cho những năm tới là rất lớn, năm 2015 là 60,7 triệu tấn cho phương án cao và 56,2 triệu tấn cho phương án cơ sở. Nhưng đến năm 2030 nhu cầu này đã là 270,1 triệu tấn, tăng 4,45 lần cho phương án cao và 220,3 triệu tấn, tăng 3,92 lần cho phương án cơ sở, trong đó chủ yếu để phục vụ cho mục đích sản xuất điện. Tuy nhiên, khả năng cấp than cho sản xuất cho đến năm 2030 thì chỉ đạt được 32,4% ở phương án cao và 28,35% ở phương án cơ sở so với nhu cầu. Lượng phát thải khí nhà kính từ năng lượng tăng lên không ngừng và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng phát thải quốc gia, mà nhiệt điện than đóng góp phần lớn vào mức ô nhiễm này.

Điều đó được thể hiện trong bảng 3 dưới đây.

Bảng 3- Ước lượng phát thải khí nhà kính năm 2010, 2020, 2030 [2]

Đơn vị: Tấn CO2 tđ

Lĩnh vực 2010 2020 2030
Năng lượng- Trong đó: Nhiệt điện than [4] 113,121 251,0160 470,8250
Nông nghiệp 65,8 69,5 72,9
LULUCF -9,7 -20,1 -27,9
Tổng cộng 169,2 300,4 515,8

 

 

 

Theo bảng trên, với tốc độ phát thải trung bình mỗi năm khoảng 4,87% thì đến năm 2030, phát thải của ngành năng lượng sẽ là 470,8 tấn CO2 tương đương, chiếm tỷ trọng 91,3% so với tổng phát thải khí nhà kính của cả nước, trong đó nhiệt điện than đóng góp tới 48,5%.

Trước những vấn đề cấp bách đặt ra, để đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Đây là một văn kiện quan trọng cụ thể hóa nội dung Phát triển bền vững của đất nước. Trong Quyết định này đã trình bày rất rõ quan điểm “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” [9]. Mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đó là:

– Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, với giá trị gia tăng cao.

– Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải KNK, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

– Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Nhiệm vụ chiến lược của ngành năng lượng trong thời gian tới là:

Giảm cường độ phát thải KNK và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo những chỉ tiêu chủ yếu sau:

Giai đoạn 2011 – 2020: Giảm cường độ phát thải KNK từ 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 10% – 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 10%, số 10% còn lại là mức có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải KNK mỗi năm ít nhất 1,5 – 2%, giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 20% – 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 20%, số 10% còn lại là mức có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến 2050: Giảm mức phát thải KNK mỗi năm 1,5 – 2%.

Như vậy, vấn đề đảm bảo nhu cầu năng lượng an ninh và bền vững là những thách thức có tính thời đại. Để giảm bớt khó khăn về nguồn năng lượng và giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới môi trường; việc phát triển và sử dụng các nguồn NLTT đã trở thành chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Với tiềm năng to lớn của NLTT Việt Nam, để đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược đã đặt ra thì vai trò của NLTT cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách đúng đắn và quan tâm thích đáng hơn để NLTT phát triển cả về số lượng và chất lượng.

NangluongVietnam.vn

Exit mobile version