HVAC Việt Nam

IAEA giúp Việt Nam đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

Từ ngày 4 – 14/12/2012, Đoàn công tác của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR) do ông Park Jong Kyun, Giám đốc Phòng Điện hạt nhân làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Việt Nam. Đây là chuyến làm việc lần thứ hai của Đoàn công tác IAEA, nằm trong khuôn khổ hợp tác của Việt Nam với IAEA về việc đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Chuyến làm việc lần thứ nhất của Đoàn công tác IAEA đã được thực hiện trong năm 2009.

Phiên khai mạc chương trình làm việc diễn ra vào 5/12/2012 tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia IAEA, các cán bộ, chuyên gia của các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ quý báu và kịp thời từ IAEA và cho rằng lần làm việc này, các ý kiến đánh giá, tư vấn của IAEA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân, đáp ứng được yêu cầu thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo IAEA, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn, với tổng thời gian từ 10 – 15 năm, tính từ lúc quốc gia đó bắt đầu quyết định lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại.

Giai đoạn 1, gồm các công tác xem xét trước khi quyết định chương trình điện hạt nhân, gọi là giai đoạn tiền dự án và kết thúc khi quốc gia đó cam kết thực hiện chương trình điện hạt nhân.

Giai đoạn 2, gồm các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy.

Giai đoạn 3, gồm các hoạt động triển khai xây dựng nhà máy và kết thúc khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại.

Theo tiêu chí của IAEA, hiện Việt Nam đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với các quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân như: Việt Nam do thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên gia trình độ cao… Bên cạnh đó, chương trình điện hạt nhân đòi hỏi rất cao về an toàn, an ninh và chất lượng nguồn nhân lực.

Từ kết quả làm việc, Đoàn công tác IAEA sẽ đưa ra kết luận và khuyến cáo cho Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam về những vấn đề cơ sở hạ tầng điện hạt nhân cần phát triển tiếp theo để đạt được các yêu cầu của Cột mốc số 2 – Sẵn sàng hồ sơ mời thầu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Theo chương trình, từ ngày 5-14/12, Đoàn chuyên gia IAEA cùng với các thành viên của Tổ công tác liên ngành Việt Nam tiến hành các phiên họp kỹ thuật để đánh giá hiện trạng và yêu cầu theo 19 nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đã được IAEA hướng dẫn.

Exit mobile version