HVAC Việt Nam

Giá bán điện gió: Bao nhiêu là hợp lý

Với giá bán điện gió hiện nay là 7,8 cent/kWh, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa đạt đến điểm hòa vốn. Vậy giá điện gió bao nhiêu là hợp lý?

Chưa khẳng định được cao hay thấp

Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với mức giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 cent/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

“Theo tôi, còn quá sớm để khẳng định con số này là cao hay thấp đối với một ngành hoàn toàn mới tại Việt Nam” – Tiến sĩ Dương Duy Hoạt, Nghiên cứu viên cao cấp, Cố vấn Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định. Mặc dù là lĩnh vực giàu tiềm năng, song Việt Nam lại thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm thực tế, hơn nữa, dây chuyền thiết bị công nghệ lại phải nhập khẩu hoàn toàn.

Trong khi đó, để có thể tính toán giá bán hợp lý cho điện gió lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố công nghệ. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu sử dụng công nghệ châu Âu thì suất đầu tư là 2.250 USD/kWh, giá bán điện bình quân tối thiểu là 10,68 cent/kWh. Còn với thiết bị Trung Quốc, suất đầu tư cũng là 1.700 USD/kWh, tương đương với giá bán điện là 8,6 cent/kWh. Giá bán này được tính cho thời gian hoàn vốn kéo dài gần 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm. Như vậy, nếu giá bán điện cho hệ thống được chấp nhận ở mức 7,8 cent/kWh, thì phần thiếu hụt còn lại để các nhà đầu tư có thể cân bằng được chi phí là từ 0,9 – 3 cent/kWh.

Ngoài hỗ trợ về giá, còn phải kể đến một số hỗ trợ khác như miễn thuế tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, phí bảo vệ môi trường, giảm  thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp…

Mức bao nhiêu là hợp lý?

“Hầu hết, các nhà đầu tư đều cho rằng, 1 kWh điện gió phải được bán với giá 10 – 11 cent, thậm chí là 13 – 14 cent thì mới có lãi” TS Dương Duy Hoạt cho biết thêm. Tuy nhiên, để có giá bán đó, Chính phủ phải có sự tính toán rất cụ thể. Việt Nam đã có nhà máy điện gió công suất 30 MW đầu tiên tại Tuy Phong – Bình Thuận. Trên cơ sở theo dõi, phân tích các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của nhà máy, sẽ có lời giải cho bài toán cụ thể này. Trong tương lai, Việt Nam sẽ hướng tới phát triển các trang trại gió trên biển. Vì vậy, cũng rất cần quy định mức giá cụ thể cho điện gió trên đất liền, trên biển, vùng thâp, vùng cao….

Hiện nay, 1 số nước trên thế giới đã áp dụng giá bán FIT cho điện gió. FIT (feed-in-tariff) là mức giá bán áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Luật về FIT quy định 3 điêu quan trọng là: Quy định các công ty truyền tải, kinh doanh điện phải mua điện từ bất kỳ nguồn điện phát bằng năng lượng tái tạo nào; Các hợp đồng mua điện được ký dài hạn (thường từ 15 – 25 năm); Quy định mức giá mua điện cụ thể cho từng loại công nghệ khác nhau (gió, mặt trời, sinh khối…) làm sao để đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận.

Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, Việt Nam có thể đưa ra một mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mình. Giá điện FIT có thể khác nhau tùy theo quy mô dự án, vị trí lắp đặt có tốc độ gió m/s trung bình hàng năm khác nhau. Ngoài ra, với mỗi công nghệ, giá bán cũng thay đổi theo cấp công suất của dự án, công suất thấp thì giá sẽ cao. Thêm vào đó, mức giá FIT cũng thay đổii theo chu kỳ 3 – 4 năm. Các năm đầu, giá FIT sẽ cao hơn các năm tiếp theo. Điều này nhằm mục đích tạo động lực cho các nhà sản xuất điện từ năng lượng tái tạo phát triển công nghệ, giảm giá thành, từng bước đưa năng lượng tái tạo đến gần với mức giá thị trường của các loại năng lượng hóa thạch khác nữa.

Chính phủ cũng cần sớm ban hành cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, có cơ chế giá rõ ràng cho từng loại năng lượng, hoặc có thể xây dựng luật về NLTT, đưa ra cơ chế giá vào luật như tại Đức đã làm.

Phát triển điện gió theo Quy hoạch Điện VII: Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030, cụ thể:

* Đến năm 2020: cả nước sẽ có 1.000 MW công suất điện gió

* Đến 2030 là 6.200 MW công suất điện gió

Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam:

* Khoảng 513.360 MW (Theo đánh giá của Ủy ban Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB)).

* Theo “Bản đồ năng lượng gió Đông Nam Á” của WB khảo sát, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất, với hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có vận tốc gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m, tương đương với 513/GW công suất. Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió rất tốt, với công suất tiềm năng khoảng 112/GW.

Suất đầu tư cho điện gió: Dao động từ 1.700 – 2000 USD/kW (phụ thuộc vào công nghệ)

Exit mobile version