HVAC Việt Nam

EVN thu thêm 7.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện

Thừa nhận giá điện tăng 5‰ là điều không dễ chịu với người tiêu dùng, nhưng Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri lý giải tập đoàn buộc làm vậy để đảm bảo nguồn đầu tư mới, tránh nguy thiếu điện.
Cuộc họp báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra chiều 21/12, một ngày trước khi tăng giá điện bán lẻ từ mức bình quân hiện nay 1.369 đồng mỗi kWh lên 1.437 đồng.

– Khẳng định có thể bù lỗ khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng và vẫn có lãi, vì sao EVN lại quyết định tăng giá?

– Đúng là nếu không phải trích dự phòng tài chính để bù lỗ năm trước thì EVN năm nay lãi 3.600 tỷ đồng. Chúng tôi xin phép Bộ Tài chính cho hoạch toán trích dự phòng tài chính 3.500 tỷ đồng và lãi kế hoạch còn 100 tỷ đồng.

Quyết định tăng giá điện lần này nằm trong lộ trình bù lỗ vì giá than, giá khí và chênh lệch tỷ giá. Từ ngày 15/9, giá than cho điện tăng và tổng chi phí do chênh lệch giá than của EVN từ đó đến nay đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng. Sắp tới giá than sẽ phải tiếp tục điều chỉnh, vì vẫn ở mức thấp. Giá khí cũng dự kiến tăng thêm 2‰ mỗi năm từ năm 2016.

EVN dự kiến thu thêm 7.000 tỷ đồng từ đợt tăng giá điện này, trước hết chúng tôi sẽ bù cho 900 tỷ do tăng giá than và 3.800 tỷ chênh lệch giá khí tăng lên. Đồng thời, bù 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá. Thực ra, doanh thu tăng thêm rất khiêm tốn so với con số hơn 26.000 tỷ chênh lệch tỷ giá.

– Nhưng tại sao EVN lại chọn tăng giá điện vào cuối năm, khi Tết sắp đến mà niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn rất mong manh?

– Đứng ở góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng không thời điểm nào tăng giá là phù hợp. Tôi về nhà, vợ cũng căn vặn và nói chẳng thích lúc nào tăng giá.

Nhưng EVN đi mua điện, và không thể bù đắp được khi mua giá cao bán giá thấp. Còn nếu tiếp tục mua giá thấp của các nhà máy phát điện thì họ sẽ không đầu tư nhà máy mới và nguy cơ thiếu điện là có thể xảy ra. Chúng ta phải xem xét giữa việc tăng giá điện và thiếu điện. Chỉ cần doanh nghiệp sản xuất mất điện 1-2 tiếng đã thấy rõ ảnh hưởng lớn thế nào.

Sau khi gần hết năm, nắm rõ các chỉ số, tính toán toàn bộ nền kinh tế không bị ảnh hưởng, chúng tôi mới chọn tăng 5‰.

– Ông nói sao khi nhiều người cho rằng giá điện tăng là hậu quả của việc quản lý yếu kém và đầu tư ngoài ngành tràn lan của EVN?

– Tôi khẳng định không có chuyện đó. EVN sẽ thoái vốn khỏi các công ty bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm từ nay đến hết năm 2015. Bản thân việc thoái vốn lỗ hay lãi không hạch toán vào giá điện. Theo lộ trình, cổ phần các ngân hàng mà EVN đang nắm giữ sẽ được đem ra bán đấu giá, ai mua trúng thì sẽ bán. Nếu không có ai trúng thì chúng tôi cũng đã tìm được đối tác chiến lược mua dựa trên giá sổ sách. Với bảo hiểm, chúng tôi cũng đã tìm được đối tác chiến lược. Phương án thoái vốn khỏi bất động sản cũng đã sẵn sàng.

– Sau 2 lần tăng trong năm nay, giá điện năm tới sẽ có lộ trình điều chỉnh thế nào?

– Chúng tôi vẫn đang tính toán lộ trình cho cả giai đoạn 2013-2015 để báo cáo các Bộ. Khó nhất hiện nay là tính thông số đầu vào. Năm 2012 dự kiến điện thương phẩm tăng hơn 10‰. Năm 2013 đã trình 2 phương án, nhu cầu điện một là tăng 11‰ so với năm 2012, hoặc tăng 13‰ nếu kinh tế phục hồi. Nhưng ẩn sổ lớn nhất là nước – thủy điện. Miền Trung từ đầu năm đến giờ chưa có trận lũ nào. Khả năng chúng tôi phải phát nhiệt điện dầu để thay thế, vì vậy mà chi phí năm 2013 sẽ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ đồng. Khi nào cho chạy dầu là chúng tôi rất xót ruột vì mua 5.000 đồng mà bán hơn 1.000 đồng, nhìn thấy lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải phát. Trời nóng Chính phủ cũng không cho cắt điện. Chúng tôi chỉ cần hòa vốn là hoàn thành nhiệm vụ, mua phát bao nhiêu thì bán bấy nhiêu.

Exit mobile version